CẢNG TẤP NẬP TÀU GIỮA ĐẠI DỊCH
Thống kê từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, hàng container thông qua khu vực CM-TV đạt khoảng 2,3 triệu TEU, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như trước đây hàng hóa của khu vực phía Nam chủ yếu qua cảng Cát Lái thì hiện tỷ lệ qua cảng này chỉ còn 60%, 40% còn lại qua CM-TV. Với thành tích này, CM-TV tiếp tục nằm trong nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày qua, Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã 2 lần thiết lập các mốc kỷ lục về sản lượng xếp dỡ hàng hóa từ tàu mẹ, từ 14.235 TEU trên tàu MADRID BRIDGE (10/6) và ngay sau đó lên đến 15.615 TEU trên tàu MONACO BRIDGE (19/6) cùng thuộc hãng tàu ONE, khai thác trên tuyến EC4 bởi liên minh THE, kết nối Việt Nam-bờ Đông Mỹ. Đây cũng là mức sản lượng xếp dỡ trên một tàu mẹ cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Ông Akira Kurita, Tổng Giám đốc cảng TCIT cho biết, sản lượng thông qua 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 1,1 triệu TEU, tăng 13 % so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cảng TCIT tiếp tục được các hãng tàu tin tưởng lựa chọn là đối tác tin cậy để phát triển mở rộng thị trường tại Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, TCIT đã tiếp nhận thêm 3 tuyến dịch vụ mới: AA3, AA7 (kết nối Việt Nam-Mỹ) và CI8 (kết nối Việt Nam-Tây Ấn Độ) của hãng tàu Wan Hai, nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế tại TCIT lên 11 tuyến, trong đó có 7 tuyến kết nối với Bắc Mỹ, 1 tuyến kết nối với Mỹ-Canada, 1 tuyến châu Âu và 2 tuyến Nội Á.
Vượt qua những ảnh hưởng của dịch COVID -19, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đã thành công trong việc đón 2 tuyến tàu mẹ chở hàng hóa trực tiếp đi Mỹ là TP23/LIBERTY/ZSE (hãng tàu 2M, ZIM) và AWE6/ VCE (hãng tàu COSCO và OOCL). Đây là 2 tuyến dịch vụ mới được đưa vào khai thác tại CMIT kết nối Cái Mép với các cảng trên hành trình châu Á-bờ Đông Mỹ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đại diện hãng tàu COSCO cho biết, việc đưa thêm tuyến dịch vụ mới rất quan trọng đánh dấu việc mở rộng thị trường của COSCO/OOCL tại Việt Nam. COSCO/OOCL lựa chọn CMIT vì tin tưởng vào chất lượng dịch vụ của CMIT dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác lâu dài giữa COSCO/OOCL với CMIT cũng như với các cổ đông lớn của CMIT trên toàn thế giới. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, các liên minh hãng tàu đã đưa thêm 8 tuyến dịch vụ mới vào CM-TV, nâng tổng số chuyến tàu của Cái Mép lên 32 tuyến/tuần, trong đó riêng tuyến trực tiếp đi Mỹ là 19 tuyến/tuần. Ngoài 2 cảng TCIT và CMIT các cảng container còn lại như: Gemalink, SSIT, TCTT… cũng đã đón thêm từ 1-2 tuyến dịch vụ mới. Ngoài ra, dư địa phát triển tại các cảng này còn nhiều nên sản lượng hàng container thông qua đạt mức tăng trưởng cao từ 40-50%”.
Tàu COSCO/OOCL là 1 trong 2 tuyến dịch vụ mới của cảng CMIT.
ĐẦU TƯ MẠNH MẼ CHO CẢNG BIỂN
Để đáp ứng nhu cầu thị trường tiếp tục tăng mạnh tại CM-TV, các DN cảng đã đầu tư thêm trang thiết bị và nhân lực ngay trong năm 2021 nhằm tăng năng lực xếp dỡ, bảo đảm năng suất khai thác luôn duy trì mức cao.
Ông Kurita, Tổng Giám đốc Cảng TCIT cho biết, hiện tại TCIT đã đầu tư các cẩu bờ hiện đại lớn nhất Việt Nam có tầm với 24 hàng container cùng với 22 chiếc cẩu bãi, 10 xe đầu kéo và 2 xe nâng cùng nhiều trang thiết bị khác. Tới đây, TCIT sẽ tiếp tục trang bị thêm 3 cẩu bờ với kích thước lớn hơn để thay thế 3 cẩu bờ cỡ trung hiện tại. Với các trang thiết bị này, cảng có thể tiếp nhận các tàu trọng tải từ 20 ngàn TEUs, năng lực khai thác của cảng TCIT tới năm 2021 dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với năm 2020. Nhờ đó, năm 2020, năng suất xếp dỡ tàu của TCIT đạt 130 container/giờ, tăng 13% so với năm 2019; đạt kỷ lục xếp dỡ 207,4 container/giờ/tàu.
Còn CMIT cũng đã đầu tư cẩu bờ hiện đại với tầm 23 hàng container, cùng với việc đầu tư trang thiết bị, DN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để rút ngắn thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí.
Trong ảnh: Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) đón tàu REN JIAN 25 khai thác tuyến dịch vụ CES của hãng tàu China United Line (CU Lines) lần đầu cập cảng vào ngày 2/5.
Về phía tỉnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối để tăng tính kết nối cho các cảng tới những KCN, trung tâm kinh tế lớn ở phía Nam. Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho hệ thống cảng biển. Đặc biệt, dịch vụ hậu cần cảng cũng đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 224ha; ngoài ra còn có 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích khoảng 42ha. Cùng đó, nhiều dự án giao thông kết nối cảng biển quan trọng đang được gấp rút hoàn thành như đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường Long Sơn-Cái Mép. Ngoài ra, tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành các bước thủ tục đầu tư để sớm triển khai nhiều dự án khác như: cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, cầu Phước An…
ĐẦU TƯ CẢNG CẠN KẾT NỐI CẢNG BIỂN
Cảng cạn (ICD - Inland Container Depot) được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải cảng biển, góp phần giảm chi phí vận chuyển, thời gian lưu hàng tại cảng biển nước sâu (nơi tiếp nhận tàu vào làm hàng). Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các ICD tại BR-VT chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, do đó chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của các cảng biển.
Toàn cảng cụm CM-TV nhìn từ Cảng Hưng Thái.
Ông Trần Hoài Chân Tâm, Giám đốc cảng SSIT (TX.Phú Mỹ) thừa nhận, hệ thống ICD tại cụm cảng CM-TV chưa được quan tâm đúng mức nên cụm cảng này đang phụ thuộc rất nhiều vào các ICD ở khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Vì vậy, đầu tư xây dựng hệ thống cảng cạn tại BR-VT là việc làm cấp thiết nhằm phát huy lợi thế của cụm cảng CM-TV. Thiếu ICD là một trong những lý do khiến cụm cảng CM-TV khó “hút” hàng trong thời gian qua. Theo Cục Hải quan tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), nhưng có tới hơn 80% DN không làm thủ tục XNK tại cụm cảng CM-TV mà mang hàng lên cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh). Và nguyên nhân dẫn đến DN “ngại” làm hàng tại cụm cảng CM-TV là do nơi đây không có ICD, nên các hoạt động dịch vụ tiếp nhận và giải phóng hàng hóa thường bị kéo dài, làm ảnh hưởng tới việc thông quan hàng hóa.
Trước thực tế đó, theo các chuyên gia cảng biển UBND tỉnh BR-VT cần kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GT-VT bổ sung quy hoạch 2 cảng cạn tại khu vực Phú Mỹ - Cái Mép (diện tích 50-200ha) và tại Mỹ Xuân (diện tích 25-75ha) vào “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Căn cứ quy hoạch và thực tế hoạt động của cụm cảng CM-TV hiện nay, chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu của cả nước, BR-VT bảo đảm đầy đủ các tiêu chí để phát triển hệ thống cảng cạn. Việc thúc đẩy phát triển các ICD sẽ hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK.
Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu