Để đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu giúp các dự án trọng điểm sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh không bị chậm tiến độ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại trữ lượng tại các mỏ khai thác khoáng sản, trên cơ sở đó xác định lại tổng nguồn, tổng nhu cầu để có giải pháp cân đối phù hợp.
Nguồn vật liệu đang bị thiếu hụt
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND ngày 07/9/2016, sau đó điều chỉnh, bổ sung và được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua tại Nghị quyết số 34/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018. Theo Quy hoạch mới này, trên địa bàn tỉnh có 60 khu vực quy hoạch khoáng sản với tổng diện tích 1.704,52 ha, trữ lượng 305.050.000 m3, và 242.000 tấn than bùn.
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016-2020 để chuyển qua giai đoạn 2030, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã loại bỏ ra khỏi Quy hoạch 18 khu vực với diện tích 411,08 ha do khai thác hết trữ lượng hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, bổ sung thêm vào Quy hoạch 04 khu vực với diện tích 257,6 ha. Như vậy, tổng điểm mỏ dự kiến Quy hoạch cho giai đoạn tới là 46 khu vực với tổng diện tích 1.501,04 ha, trữ lượng 363.387.424 m3.
Đối với công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng diện tích 600 ha, trữ lượng 79.072.402 m3; 05 trường hợp hết hiệu lực đang làm thủ tục gia hạn, cấp lại giấy phép, trong đó có 04 trường hợp khai thác đá xây dựng có nhu cầu gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác mới với tổng diện tích 89,69 ha, trữ lượng 4.092.400 m3, công suất khai thác 1.200.000 m3/năm và có 01 trường hợp gia hạn khai thác cát xây dựng.
Cũng theo Sở TN&MT, hiện tại, nguồn đá xây dựng được khai thác từ các mỏ được tiêu thụ trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 75%, nguồn cát xây dựng và vật liệu san lấp không nhiều, tất cả đều phục vụ nhu cầu trong tỉnh. Hiện nguồn cung vẫn không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Do đó, khoảng 25% nguồn vật liệu thiếu hụt phải chuyển từ ngoài tỉnh về cát xây dựng từ Đồng Nai, Bình Thuận; vật liệu san lấp chuyển từ các tỉnh Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thông qua việc rà soát và thống kê số liệu của các Sở, ngành và các địa phương cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các dự án trong điểm giai đoạn 2022-2030 là rất lớn. Cụ thể, đá các loại là 27.228.000 m3, cát xây dựng là 3.756.000 m3 và đất + cát san lấp là 72.170.000 m3.
Tuy nhiên, qua cân đối giữa nhu cầu sử dụng thực tế với nguồn vật liệu còn lại sau rà soát dự kiến đưa vào quy hoạch, thì nguồn đá có dôi dư nhưng không nhiều, nhất là đá xanh có nhu cầu sử dụng lớn vì đáp ứng tiêu chuẩn làm đường; cát xây dựng còn dư nhưng khả năng khó khai thác trên thực tế vì hiện nay giá đất tăng cao, khó triển khai; còn vật liệu san lấp đang bị thiếu gần 15 triệu mét khối.
Tập trung tìm thêm các nguồn cung
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dự án, công trình trọng điểm, trong đó có 10 dự án dự kiến khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Điển hình là các dự án: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến tỉnh lộ 994 (tuyến đường ven biển); đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ TX. Phú Mỹ xuống TP. Bà Rịa); đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu (từ TP. Bà Rịa xuống vòng xoay Quốc lộ 51B, 51C, TP. Vũng Tàu); đường Hội Bài - Phước Tân (nối Quốc lộ 51 với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu); đường Long Sơn - Cái Mép; dự án cầu Phước An…
Còn theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đối với các công trình, dự án trọng điểm khi triển khai thực hiện chưa tính tới công trình thủy lợi, các nhà máy, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển… thì dự kiến nhu cầu về vật liệu san lấp là rất lớn nên nguồn tài nguyên khoáng sản đưa vào quy hoạch, đặc biệt là đất san lấp và cát xây dựng, có thể vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp phục vụ các dự án trọng điểm nói riêng và các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh nói chung, Sở Xây dựng đề xuất, trước mắt giai đoạn đến năm 2030, tiếp tục quản lý khai thác tốt đối với các khu vực, điểm mỏ vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác; đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục kêu gọi, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ còn lại.
Bên cạnh đó, cũng cần khảo sát nguồn cát nhiễm mặn ngoài biển ở những vùng xa bờ, ngoài phạm vi sóng vỗ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, đường bờ và hoạt động du lịch dọc bờ biển để đưa vào quy hoạch khai thác. Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, cát nhiễm mặn đã được nghiên cứu ứng dụng đầy đủ để thay thế dần nguồn cát xây dựng và vật liệu san lấp ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, cần kết hợp tận dụng vật chất nạo vét từ các dự án nạo vét cửa sông cảng biển, khơi thông luồng lạch trên sông, biển để bù đắp một phần lượng thiếu hụt.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Việc chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, cũng như việc sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ góp phần quan trọng để các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, ông Nguyễn Công Vinh yêu cầu: Sở TN&MT khẩn trương tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các Sở, ngành, địa phương để bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo về nguyên vật liệu xây dựng và kết quả thực hiện Nghị quyết số 34/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của HĐND tỉnh về việc tìm kiếm nguồn vật liệu phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Căn cứ báo cáo của Sở TN&MT, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức họp thông qua và trình Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.
Nguồn: Baotainguyenmoitruong (Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường)