Cần tạo dựng chuỗi cung ứng liên vùng sản phẩm hóa dầu, trong đó Bà Rịa- Vũng Tàu giữ vai trò quan trọng là chuỗi cung ứng thượng nguồn các nguyên liệu thô cơ bản...
Đây là mong muốn và cũng là nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu iữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn được Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức. Bằng cách này, việc cải thiện năng suất thông qua việc sử dụng chuỗi cung ứng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn
Được biết, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, công nghiệp sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất là ngành có tỷ trọng cao nhất của tỉnh. Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BRVT) cho biết, đến hết năm 2022, riêng các dự án đầu tư đã hoạt động trong các KCN, ngành công nghiệp n
ày có 21 dự án FDI và liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 646,5 triệu U$; có 09 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 13.273 tỷ đồng. Đặc biệt, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thu hút được hai dự án lớn liên quan đến sản xuất hóa chất là Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD) và nhà máy Hyosung (1,3 tỷ USD). Hai dự án này sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của các ngành công nghiệp hóa dầu, ngành công nghiệp nhựa và các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Ông Lê Công Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa- Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị kết nối
BRVT là tỉnh có lợi thế mạnh ngành công nghiệp hóa chất của cả nước. Nguồn nguyên liệu sẵn có từ khai thác dầu khí, cảng biển nước sâu, mạng lưới sản xuất đã hình thành và đang phát triển, nguồn nhân lực có trình độ cao, nhiều nhà đầu tư tiềm năng với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh quan tâm. BRVT đang thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ nguồn theo chuỗi giá trị, với mục tiêu là nguồn cung cấp nguyên vật liệu của vùng, cả nước và xuất khẩu. Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là công nghiệp vật liệu quan trọng của Tỉnh, vùng và cả nước nhằm khai thác hiệu quả nhất các lợi thế phát triển của Tỉnh.
Ông Toshio Kazama, cố vấn của Japan Desk tại tỉnh BTVR và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, trong những năm gần đây, việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của BRVT đã hỗ trợ tăng cường chuỗi cung ứng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải (CMTV), Công ty Thanh Bình Phú Mỹ có thể nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài qua cảng container, cảng hàng lỏng, cảng tổng hợp/hàng rời hoặc LNG/LPG. Khi đó, các nhà máy trong các khu công nghiệp gần cảng có thể sản xuất, gia công các nguyên liệu cơ bản, các sản phẩm hạ nguồn hóa dầu như PP, PE hay các sản phẩm thép hoặc thậm chí sản xuất điện từ nhà máy điện LNG. Từ đó, các nguyên liệu, hóa chất cơ bản từ các công ty này sẽ cung cấp cho các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để sản xuất, lắp ráp thành phẩm cuối cùng. Sau đó, những thành phẩm này lại được đưa về cảng CMTV để xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Toshio Kazama cố vấn của Japan Desk tại tỉnh BTVR, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ
Chia sẻ về vai trò then chốt của ngành nhựa và hóa dầu, ông Thanwa Udom- Piriyasak- Giám đốc thương mại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, ông tin rằng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi hoàn hảo để phát triển thành trung tâm hóa dầu của Việt Nam với nhiều lợi thế.
LSP dự kiến vận hành toàn bộ tổ hợp trong thời gian tới và chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. “Chúng tôi đánh giá cao những định hướng và cải tiến của tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và chúng tôi mong đợi những bước tiến đó sẽ tăng cường kết nối giữa các khu công nghiệp và cảng biển nhằm nâng cao hiệu quả về logistics và đảm bảo tính liên tục của nguồn cung điện và nước”, Giám đốc thương mại LSP chia sẻ.s
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, quan điểm về đầu tư của tỉnh, hình thành Khu Công nghiệp hóa chất (chuyên sâu), các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn. Trong thời gian tới, để phát triển và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu ở địa phương và các tỉnh thành khu vực phía Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu mong muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp của chuỗi hóa dầu theo hướng phát triển chiều rộng cả chiều sâu để tạo lập thêm các chuỗi giá trị trong nội cụm ngành và với các ngành, lĩnh vực công nghiệp, kinh tế khác. Tăng cường năng lực, đầu tư mới các dự án sản xuất sản phẩm hóa dầu, sau hóa dầu, nhất là hạt nhựa nguyên sinh, xơ, sợi để đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp hóa cao su và nhựa, công nghiệp dệt trên địa bàn, vùng kinh tế phía Nam và cả nước, cũng như xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam có nhiều ngành quan trọng trong chuỗi cung ứng hóa dầu, bao gồm sản xuất phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử, sản xuất hóa chất, v.v. Tỷ lệ nội địa hóa tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thấp, chưa hình thành chuỗi cung ứng từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Nguyên liệu hóa dầu sản xuất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khả năng cung cấp cho các khu vực tập trung công nghiệp nhẹ ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ mong muốn kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các chương trình đề án kết nối chuỗi giá trị sản phẩm hóa dầu
Ông Đồng mong muốn kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các chương trình đề án kết nối chuỗi giá trị. Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẵn sàng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Trong thời gian tới, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẽ đưa ra những giải pháp phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng logistics, hạ tầng chuyển đổi số của nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng hóa dầu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường các sản phẩm trong chuỗi hóa dầu đến thị trường trong nước và quốc tế.