Giảm thuế VAT 10% xuống 8%: Dân kế toán loay hoay ngày đầu thực hiện do không phải mặt hàng nào cũng được áp dụng.

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc Hội, theo đó hướng dẫn giảm thuế Giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là VAT) từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022.

Tuy nhiên không phải tất cả các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% đều được đồng loạt giảm mà có nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2 đi kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Các nhóm hàng không được giảm thuế VAT lần này có thể kể đến: Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin (máy vi tính, máy pos, màn hình, máy chiếu, thẻ thông minh, máy quay, điện thoại di động phổ thông và thông minh…) Nhóm sản phẩm điện tử nghe nhìn, nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng (máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, điều hoà,…) Dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, bất động sản…) Sản phẩm khai khoáng (than non, dầu thô, khí tự nhiên dạng hoá lỏng, quặng kim loại, đá, cát sỏi, đất sét, đá quý, kim cương, kim loại quý..), Kim loại (nhôm, đồng, sắt,…) một số mặt hàng sản xuất từ kim loại và dịch vụ sản xuất kim loại,…

Ngoài ra, điều 4, Nghị định 15 cũng quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này vô hình trung đem lại cho bộ phận kế toán các doanh nghiệp một khối lượng công việc không nhỏ đầu năm.