Phát triển KCN "Sinh thái" - Đón làn sóng đầu tư mới chục tỉ USD

  

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3

KCN sinh thái là xu thế tất yếu
Sáng 25-6, tại Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra hội thảo về nâng cao sức cạnh tranh, thu hút của các KCN và xây dựng KCN kiểu mẫu.
Tại Việt Nam, từ 2014 đã có chủ trương chuyển các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái và đến nay đã có hàng chục DN tham gia. Điển hình là các KCN chuyên sâu Phú Mỹ III (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ),…   

GS-TSKH Nguyễn Mại trao đổi danh thiếp với chuyên gia nước ngoài bên lề hội thảo

Phát biểu tại đây, GS.TSKH Nguyễn Mại - nguyên thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư - chỉ ra những bất cập của KCN tại VN. Đó là phần lớn có các chế tạo, dệt may, giày da, túi xách… Những dự án này thâm dụng lao động, chủ yếu có quy mô vốn nhỏ và chưa khai thác triệt để lợi thế khác biệt của từng địa phương, vùng miền.
Đáng chú ý, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc quản lý các KCN do chưa có khung pháp lý cũng như các định mức kinh tế- kỹ thuật và thiếu sự giám sát nên một số địa phương đã ban hành quy định trái luật, ưu đãi cho nhà đầu tư vượt thẩm quyền, quá mức cần thiết.
Các ý kiến khẳng định mô hình KCN sinh thái đã xu thế tất yếu của thế giới và đã thành công ở nhiều nước vì mô hình này tiết kiệm điện, nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.        

Chuyên gia nước ngoài trao đổi với nhau bên lề hội thảo

Kết nối hạ tầng để đón dòng vốn hàng chục tỉ đô la Mỹ
Ông Hirai Shinji - giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) - đánh giá cao việc tỉnh này đã có những đầu tư lớn cho hạ tầng để kết nối với các tỉnh, thành, các KCN nhưng "vẫn chưa đủ". Kết quả khảo sát của Jetro cho thấy, các DN Nhật Bản chọn VN là điểm đến vì quy mô và tăng trưởng của thị trường và tình hình chính trị - xã hội ổn định. Do đó, nhiều DN Nhật Bản - trong quá trình tái cơ cấu của mình - đang chuyển từ TQ sang VN.
"Đây là cơ hội cho Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng cho Nhật Bản", ông Hirai Shinji nói.   

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ III) - cho biết đến nay KCN này đã thu hút được 20 dự án đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng. KCN chuyên sâu này có hệ sinh thái đạt chuẩn đủ để hút các dự án công nghiệp quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản như: thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài trong khi thời gian cho phép nhà máy vận hành thử chỉ sáu tháng là quá ngắn. Ngoài ra còn thiếu hạ tầng như cảng nhập hàng lỏng, lãi suất vay đầu tư cho phát triển công nghiệp không được ưu đãi
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều kiến nghị nhanh chóng thúc đẩy các dự án giao thông kết nối như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành và cầu Phước An.
"Hạ tầng xung quanh các KCN là điều rất quan trọng để thu hút đầu tư vào KCN. Hợp tác vùng là điều bắt buộc để tối ưu hóa lợi thế và để bảo vệ môi trường", đại diện tổ chức JICA (Nhật Bản) góp ý.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng để chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải xây dựng các KCN kiểu mới để thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và có tính bền vững. Bởi sau thành công của VN trong phòng chống đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ có làn sóng đầu tư mới, cơ cấu mới lên đến hàng chục tỉ USD. Với KCN của Bà Rịa - Vũng Tàu, vị này gợi ý, phải phát triển là trí tuệ nhân tạo, robot, phát triển "kinh tế ban đêm", nông nghiệp sạch, tuần hoàn.


Theo Báo Tuổi trẻ