Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ về nội dung "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" đang được thảo luận tại hội thảo của Báo Thanh Niên.
Là chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi cho biết khi đã xác định tăng trưởng xanh,phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra. Trong đó, phải đáp ứng các yếu tố: kiểm soát, giảm thải khí thải; sản xuất không gây ô nhiễm môi trường; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; có trách nhiệm với xã hội, với người lao động và quản trị minh bạch...
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ
Ngay từ đầu, nếu đặt mục tiêu tiếp cận các tiêu chí trên thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Đơn cử, nếu sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thì phát thải khí CO2 sẽ ở mức lớn nhất, trong khi sử dụng khí thì lượng CO2 phát thải giảm còn khoảng 50 - 60%. Công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải cũng phải đạt tiêu chuẩn A. Lúc đó, ngành nào không còn quan trọng.
"Vậy làm sao để cơ quan quản lý và đơn vị phát triển hạ tầng KCN có thể nhận diện được, thu hút được khách hàng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để mạnh dạn mời gọi?" - bà Nhi đặt vấn đề. Theo bà Nhi, các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là "auto" xếp vào ngành ô nhiễm. Bởi, có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất pin cho ô tô điện - phương tiện giao thông xanh phải dùng nguyên liệu đầu vào từ quặng. Tuy nhiên, họ đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư công nghệ cao với quy trình chặt chẽ, không hề có phát thải. Muốn đăng ký đầu tư họ sẽ phải trình xin chủ trương, chứng minh rất nhiều yếu tố. Chính những rào cản như vậy vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, những ngành vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là ngành xương sống của công nghiệp, thượng nguồn các chuỗi cung ứng. Nếu đứt gãy thì hạ nguồn cũng sẽ không sản xuất được. Phải làm chủ được ngành thượng nguồn thì mới giảm được tỷ lệ nội địa hóa, tăng năng lực sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, mới ra được giá thành cạnh tranh, từ đó mới thu hút đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nhận định: Câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: Nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
"Dù được thành lập từ cách đây 10 năm nhưng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã mạnh tay đầu tư rất lớn đã đáp ứng hết tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn... Chúng tôi không sử dụng than làm nguyên liệu đốt, tăng mức tiêu chuẩn xử lý nước thải ở hạ nguồn từ B lên A... xác định muốn thu hút nhà đầu tư quy mô vốn lớn thì hạ tầng cũng phải đạt chuẩn quốc tế. Kết quả, từ 2014 đến nay, chúng tôi đã thu hút được 3 tỉ USD FDI, đặt mục tiêu đến 2026 sẽ đạt 5,5 tỉ USD. Suất đầu tư thu hút trên 1 ha đất công nghiệp của mỗi doanh nghiệp kêu gọi khoảng 8,5 - 9 triệu USD, được những tập đoàn lớn đánh giá rất cao. Thế nhưng, để làm được như vậy thì suất đầu tư rất lớn, cộng với lãi suất cao, nếu không thu hút được đầu tư sẽ rất khó khăn. Đây là thách thức trong phát triển xanh mà các doanh nghiệp rất cần cơ quan quản lý cùng chia sẻ" - vị này nêu ý kiến.