Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP, tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước, đến năm 2050 là trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Ngày 29.3, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023 và đang được địa phương cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án đường ven biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được thi công
Theo đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.
Hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải
Bà Rịa - Vũng Tàu xác định các điểm nhấn phát triển chủ yếu và các đột phá phát triển. Theo đó, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: "Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt".
Tàu hàng cập cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu
Các điểm nhấn phát triển chủ yếu là hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; tương xứng với vai trò, chức năng cảng đặc biệt quốc gia. Hình thành khu thương mại tự do; xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát triển TP.Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; tiếp tục phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch sinh thái biển đảo.
Thành lập các KCN công nghệ cao
Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi tỉnh với vùng, với cả nước và quốc tế, để Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia.
Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận
Thành lập các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với hệ thống các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ đã và đang đầu tư, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải - Cái Mép thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.
Hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.