ASEAN ĐỒNG LÒNG ĐƯA HIỆP ĐỊNH RCEP CÓ HIỆU LỰC ĐẦU NĂM 2022

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có cuộc trả lời báo chí về thông tin tiến trình phê chuẩn của Hiệp định RCEP cũng như những ưu tiên hợp tác kinh tế của ASEAN ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan (8-15/9).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Hiệp định RCEP là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này. Xin Thứ trưởng cho biết tiến độ thảo luận nội dung này tại Hội nghị?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Hiệp định RCEP là một trong những thành tựu lớn đóng góp vào thành công chung của Việt Nam trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Khi đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng RCEP, Việt Nam đã chủ động cùng với các nước ASEAN đưa ra các sáng kiến giúp xử lý những vấn đề tồn đọng để có thể kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11. Đây là thành tựu rất lớn của Năm Chủ nhà ASEAN 2020.

Tiếp nối thành công đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, các nước ASEAN và 5 nước đối tác đều mong muốn Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực, cụ thể là vào đầu năm 2022, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch. Vì thế, các nước tham gia ký kết Hiệp định RCEP đã sớm triển khai thủ tục phê chuẩn Hiệp định.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những ưu tiên của ASEAN trong hợp tác kinh tế là gì?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ASEAN và thế giới, Brunei đã đưa ra chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2021 là “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” với 13 ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế hướng đến 3 chiến lược chính: Phục hồi, số hóa và bền vững nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19.

Trong số những sáng kiến của nước chủ nhà Brunei, có những sáng kiến đáng chú ý, như xây dựng khung kinh tế tuần hoàn; xây dựng bộ công cụ đánh giá các biện pháp phi thuế quan; lộ trình thúc đẩy chuyển đổi số ASEAN…

Bên cạnh việc triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2021 do Brunei đề xuất, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã tích cực thảo luận việc tiếp tục triển khai các sáng kiến về hợp tác kinh tế do Việt Nam đề xuất với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, tiêu biểu như: Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN; mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN nhằm đối phó với dịch COVID-19; thực hiện Biên bản Ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Tất cả các Bộ trưởng ASEAN sẽ cố gắng không áp dụng các biện pháp cản trở để bảo đảm làm sao duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong khu vực. Có thể thấy, các nước vẫn đánh giá rất cao những sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam năm 2020 bên cạnh những sáng kiến của nước chủ nhà Brunei trong năm nay.

Các nước ASEAN cũng nhất trí tiếp tục duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại. Bởi lúc này, các biện pháp thuận lợi hóa thương mại có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế trong khu vực ASEAN.

Tất cả những nỗ lực đều nhằm vào 3 trụ cột, cố gắng phục hồi kinh tế, số hóa phục hồi kinh tế đó và hướng tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Tất cả đều tập trung cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch, cố gắng duy trì đà tăng trưởng của ASEAN, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế vững mạnh, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Hanoi Times