VÌ SAO ĐỘT NGỘT KHAN HIẾM XĂNG DẦU?

Cả nước có khoảng 500 DN phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu (đầu mối), nhưng thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu.

Vì sao lại có câu chuyện này và để bình ổn nguồn cung, ổn định giá, cần những giải pháp gì?

Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương: Nhiều nơi hết hàng

Chiều tối 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, 121 cửa hàng tạm hết hàng.

Hầu hết các điểm bán lẻ trong số này rơi vào tình trạng “chờ đơn vị cung cấp giao hàng”.

Người dân kiên nhẫn xếp hàng chờ mua xăng trên đường Lê Đại Hành, phường 11, quận 11, TP.HCM (Ảnh chụp ngày 10/10)

Tình hình thiếu nguồn cung ứng xăng dẫn đến phát sinh nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm bán lẻ, không có tình trạng găm hàng.

Tính đến chiều 10/10, TP Thủ Đức xảy ra tình trạng hết xăng nghiêm trọng nhất khi có đến 21 cây xăng ngừng phục vụ hoặc hết xăng, chỉ bán dầu. Xếp kế tiếp danh sách hết xăng là địa bàn quận 12 với 17 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi 14 cửa hàng…

 

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng hết hàng lan rộng và tăng cao so với ngày trước đó. Trong số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Petrolimex có sự chuyển biến tích cực nhưng nhiều thời điểm trong ngày cũng phải ngừng bán vì đợi xe bồn cấp thêm xăng.

Tại Đồng Nai, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 10/10, tại TP Biên Hòa, hàng chục cây xăng rào chắn treo bảng “tạm ngưng chờ nhập hàng” hoặc chỉ bán dầu, khiến người dân bức xúc.

Một số cây xăng lớn nằm ở vị trí trung tâm TP Biên Hòa trên đường Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Giáp... nhân viên bán nhỏ giọt. Xe máy chỉ được đổ tối đa 30.000 đồng, trong khi xe ô tô là 300.000 đồng.

Theo người dân phản ánh, tình trạng nhiều cây xăng tạm ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt diễn ra hai ngày qua ở hàng loạt cây xăng ở TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất.

Tương tự tại Bình Dương, tình trạng nhiều cây xăng tại TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An ngưng bán hoặc bán cầm chừng cũng diễn ra.

 

Nhu cầu tăng, hàng nhập trễ

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 10/10, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, những ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng cao trở lại, nhu cầu mua hàng của khách hàng cũng vì vậy mà tăng mạnh.

Trong khi đó, các chuyến tàu nhận hàng tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng của cơn bão Noru…

“Cùng lúc đó, nguồn hàng nhập khẩu về rất hạn chế, không dồi dào như trước đây do phụ phí mua cao hơn nhiều so với công thức giá cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh”, vị này nói và cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường như vậy, PVOIL vẫn đảm bảo tối đa nguồn hàng cho toàn hệ thống.

Trước thực tế hiện nay, lãnh đạo PVOIL cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM của mình là PVOIL Sài Gòn và Công ty Cổ Phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay.

Theo đó, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO đều tăng so với bình thường, xăng tăng 30% và dầu DO tăng 10%. Đặc biệt, trong 2 ngày 8, 9/10/2022, nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL quá đông, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hóa. Trong 2 ngày này, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO tăng rất cao so với bình quân các ngày trước đó. Xăng tăng 60%, dầu DO tăng 25%.

Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết, đã có khoảng 2 triệu lít xăng được tiếp thêm cho các cây xăng của Petrolimex tại TP.HCM. “Trong đêm 9/10, 80 lượt xe bồn tiếp thêm xăng của đơn vị này đã được chuyển từ kho hàng tới các điểm bán”, lãnh đạo Petrolimex nói và cho biết, bình thường xe bồn chỉ cấp xăng vào ban đêm, nhưng nay phải thực hiện cả ban ngày mới đủ xăng cho điểm bán.

 

Bộ Công thương khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu

Trong thông tin vừa phát đi chiều tối 10/10, Bộ Công thương khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ tiếp tục lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh, thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng, nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó là tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương cho hay, đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.

Bộ Công thương tiếp tục khẳng định, dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

 

Nguồn: baogiaothong (Tiếng nói của Bộ GTVT)

https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-dot-ngot-khan-hiem-xang-dau-d568965.html