Các điểm sáng của thị trường Bất động sản Việt Nam

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp khi tốc độ tăng trưởng ổn định, các hiệp định thương mại tự do gia tăng cùng với đó là lực lượng lao động trẻ, chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý chiến lược.

Hiện nay, giá chào thuê trung bình ở TP.HCM khoảng 186 USD/m2, tăng 1% so với quý trước và 3% theo năm , chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng. Giá thuê TP HCM vẫn xếp hạng cao nhất trên toàn quốc, cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gần gấp đôi mức giá tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 142,3 USD/m2/kỳ, giữ ổn định so với quý trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế. Giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hà Nội vẫn cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, cao hơn Hưng Yên 71%, và cao hơn Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt là 48% và 50%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1, cả nước có 103 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 388 triệu USD, tăng gần 2,2 lần về số dự án nhưng giảm 70,7% về số vốn cam kết so với cùng kỳ năm trước.Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm so với cùng kỳ do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng mạnh, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Dự báo bất động sản công nghiệp tiếp tục sẽ có những bước bứt phá trong thời gian tới sau khi đã trải qua một năm 2021 đầy biến động do tình hình dịch Covid 19. Đây vẫn là phân khúc đầy hứa hẹn với các chỉ số tăng trưởng ấn tượng và trong dài hạn một số nhà sản xuất đang tìm kiếm các thị trường mới để mở rộng và Việt Nam sẽ là một trong những điểm tới tại khu vực châu Á.

 

Nguồn: NDH